Phòng chống thiếu sắt ở trẻ em

Phòng chống thiếu sắt ở trẻ em

Sắt là một chất khoáng cần thiết cho quá trình tạo máu và thực hiện nhiều chức năng quan trọng khác của cơ thể. Thiếu máu thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất và chiếm tỷ lệ cao ở trẻ nhỏ.
Sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp sắt duy nhất. Sắt trong sữa mẹ tuy ít nhưng tỷ lệ hấp thu cao. Nếu trẻ không được bú mẹ đầy đủ sẽ bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu.
Trong năm đầu tiên của cuộc đời, trẻ tăng trưởng rất nhanh do đó lượng sắt cần nhiều hơn. Nhu cầu sắt cho 1kg trọng lượng trẻ em cao hơn so với người trưởng thành, trong khi đó lượng thức ăn cho trẻ lại ít hơn. Thức ăn bổ sung cho trẻ thường là bột gạo, loại thức ăn nghèo sắt và chất sắt trong gạo rất khó hấp thu. Bữa ăn của trẻ ít thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, rau xanh, trái cây chín. Cho trẻ ăn dặm quá sớm và thức ăn nghèo dinh dưỡng sẽ dẫn đến thiếu máu.
Những loại thực phẩm chứa nhiều sắt từ nguồn động vật như thịt, tim, gan, thận, tiết, gia cầm, trứng, thủy sản và nguồn thực vật như mè, đậu phộng và các loại đậu, giá, rau dền, rau thơm, rau ngót, ngũ cốc. Chất sắt có trong thức ăn nguồn động vật là nguồn sắt quý, tỷ lệ hấp thu cao.
Để phòng thiếu máu thiếu sắt cho trẻ em, trước hết cần phòng chống thiếu máu cho người mẹ. Trong thời gian mang thai, ngoài chế độ ăn, người mẹ cần uống thêm viên sắt để cung cấp sắt cho trẻ (qua nhau thai và qua sữa).
Trẻ nhỏ cần được bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý. Trẻ lớn hơn, chế độ ăn cần đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng, chú ý sử dụng các loại thực phẩm giàu sắt.
Hàng ngày nên cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu sắt nguồn động vật như: gan gà, heo, bò, trứng, sữa, tôm, cua, cá, ốc… Các loại thực phẩm này chứa loại sắt có tỷ lệ hấp thụ cao, đồng thời cũng là nguồn cung cấp chất đạm rất quan trọng cho trẻ. Ngoài ra, các loại thực phẩm nguồn thực vật như các họ đậu: đậu nành, đậu xanh, đậu đen, đập phộng, mè cũng là nguồn cung cấp sắt quan trọng. Muốn hấp thụ sắt được tốt thì cần ăn các thức ăn có chứa nhiều vitamin C như các loại rau và các loại trái cây chuối, đu đủ, cam, bưởi…
Bên cạnh chế độ ăn, việc tẩy giun định kỳ cho trẻ, vệ sinh cá nhân, và vệ sinh môi trường có vai trò quan trọng trong phòng chống thiếu máu ở trẻ em.

Hồng Phương – TTYT Bến Lức