Với chủ trương đưa dịch vụ y tế đến gần người dân, nhất là các địa phương khó khăn, từng bước thực hiện công bằng, hiệu quả trong khám, chữa bệnh. Trong những năm qua, Bến Lức đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường nguồn lực cho y tế cơ sở, xem việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển sự nghiệp y tế huyện nhà.
Y tế cơ sở là tuyến y tế trực tiếp thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia y tế – dân số . Để tăng cường nguồn lực cho mạng lưới y tế cơ sở, Bến Lức đã triển khai nhiều hoạt động nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực, xem đây là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần làm giảm gánh nặng cho y tế tuyến trên.
Mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn huyện Bến Lức đang từng bước được củng cố và hoàn thiện. Trước đây toàn huyện có 15 trạm y tế xã, thị trấn nhưng từ tháng 10 năm 2018 Trạm Y tế thị trấn sáp nhập vào Trung tâm Y tế huyện và có tên là Tổ công tác y tế. 100% trạm y tế có bác sĩ, 101 ấp có y tế ấp và hơn 300 cộng tác viên y tế đang hoạt động. Thực hiện quyết định số 4667/QĐ-BYT ngày 07/11/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành “Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020”, đến nay toàn huyện đã có 15/15 xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Được sự quan tâm của các cấp Ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành đoàn thể đã tổ chức, quán triệt đưa việc thực hiên Bộ tiêu chí vào Nghị quyết, kế hoạch để chỉ đạo thực hiện sâu sát. Cơ sở vật chất của các trạm y tế từng bước được đầu tư, nâng cấp, 100% các trạm y tế có điện thoại, máy vi tính kết nối internet và các trang thiết bị cơ bản như giường bệnh, tủ thuốc, dụng cụ y tế, dụng cụ chăm sóc sức khỏe sinh sản,… Mặt khác, các trạm y tế còn có đầy đủ các phòng chức năng như: phòng khám bệnh, phòng sơ cấp cứu, phòng lưu bệnh nhân, phòng khám phụ khoa, phòng đẻ, phòng tiêm, phòng trực,… Đây là điều kiện thuận lợi để các đơn vị triển khai tốt hoạt động chuyên môn. Đi đôi với xây dựng kết cấu hạ tầng, các trạm y tế xã còn được trang bị một số thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy đo đường huyết và một số thiết bị cận lâm sàng khác điển hình như trạm y tế xã Thanh Phú, trạm y tế xã Lương Hòa. Một số địa phương đã tranh thủ được từ những nguồn lực khác nhau để đầu tư cho lĩnh vực y tế như xã Thanh Phú.
Qua thực tế cho thấy, nhờ chăm lo củng cố, phát triển mạng lưới y tế, đào tạo cán bộ y tế cơ sở nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Điều đáng ghi nhận là tất cả các trạm y tế trên địa bàn huyện đã triển khai tốt việc quản lý, theo dõi sức khỏe cho các đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi. Một số bệnh xã hội như phong, lao, tâm thần được quản lý, theo dõi và phối hợp điều trị khá hiệu quả; các bệnh mãn tính không lây như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen, COPD được theo dõi, cập nhật và quản lý đầy đủ. Đại đa số người dân, đặc biệt người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa đã được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng.
Bên cạnh đó, ngành y tế huyện nhà cũng gặp một số khó khăn như: y tế ấp chưa được đào tạo theo thông tư 07/2013/TT-BYT ngày 08/3/2013 của Bộ Y tế; chưa triển khai tủ thuốc trạm y tế đầy đủ theo thông tư 46; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt trên 85%; hệ thống xử lý chất thải lỏng tại trạm chưa có (trừ Tân Bửu). Mặt khác, nhân sự còn thiếu về số lượng và cơ cấu. Những hạn chế trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện thành công tiêu chí y tế trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Xây dựng mạng lưới y tế cơ sở đạt chuẩn quốc gia với việc đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế và các địa phương trong thời gian tới. Để tạo bước chuyển biến đột phá và toàn diện về tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, ngành Y tế cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động, trong đó chú trọng đến công tác đào tạo cán bộ, từng bước đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng, tạo tiền đề cho các địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Hồng Phương – Phòng KHNV